Dịch giả Trung Quốc không sống được bằng nghề dịch thuật

“Sống một cuộc sống dư dả, chỉ bằng nghề dịch văn học ư? Tôi nghĩ đó là điều không thể”, Yang Ziwu, dịch giả nổi tiếng – người gần đây xuất bản tập 8 bộ sách “A History of Modern Criticism” do ông chuyển ngữ – cho biết.

Ở tuổi ngoài 50, Yang đã cống hiến gần 30 năm, dịch hàng loạt tác phẩm quan trọng của văn học thế giới sang tiếng Trung Quốc.

Một trong những đóng góp lớn của ông là bản dịch A History of Modern Criticism (Lịch sử phê bình hiện đại) – tác phẩm đồ sộ của Rene Wellek – chuyên gia văn học so sánh danh tiếng người Mỹ gốc Czech. Việc chuyển dịch cuốn sách này đóng vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu các lý thuyết văn học phương Tây vào Trung Quốc.

Nhưng bất kể những cống hiến ý nghĩa cho nền văn học dịch của Trung Quốc, Yang vẫn không đủ khả năng đáp ứng cho gia đình một cuộc sống đầy đủ.

“Rất khó để có thể đủ sống nhờ nghề dịch, chứ chưa nói đến chuyện giàu có”, Yang nói. Ông không phải là dịch giả duy nhất gặp phải những vấn đề về thu nhập. Với họ, theo đuổi nghề dịch văn học đồng nghĩa với việc bạn phải có khả năng sống với rất ít tiền. Nhuận bút trả cho các tác phẩm dịch văn học thấp hơn nhiều các văn bản dịch kinh tế hoặc thương mại. Nói như Yang, “sự chênh lệch ở đây rất kinh khủng”.

Yang mặc một chiếc áo vest nâu với kiểu cách khá giản dị. Anh nói, đó là một trong số ít những chiếc áo tử tế trong tủ đồ của anh. Và nó chỉ được trưng dụng vào những dịp đặc biệt.

“Đồng nghiệp của tôi đùa rằng, tôi chắc sắp phải gặp ai quan trọng lắm nên mới diện cái áo này”, Yang nói. Anh rất ít khi đi sắm quần áo, bởi công việc shopping này vừa tốn tiền lại vừa tốn thời gian.

Theo Nghị định về Tác quyền do chính phủ Trung Quốc ban hành, nhuận bút chi trả cho văn bản dịch văn học được áp dụng ở mức 20 đến 80 nhân dân tệ trên 1.000 chữ tiếng Trung (tương đương 53.000 – 210.000 đồng). Trung bình, ngay cả những dịch giả uy tín và nổi tiếng nhất cũng chỉ nhận được thấp hơn 70 tệ cho một nghìn chữ.

Zhang Jianping, trưởng phòng văn học của Nhà xuất bản Thượng Hải, cho biết: “Tình trạng đáng buồn đến độ phần lớn sinh viên chuyên ngành dịch văn học đã bỏ nghề sau khi tốt nghiệp. Mà ở lĩnh vực này, chúng tôi cần những dịch giả thực sự xuất sắc, được đào tạo bài bản”.

Trong cuộc phỏng vấn 35 sinh viên Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh do tờ People’s Daily thực hiện đầu tháng này, không một ai bày tỏ ý định chọn nghề dịch văn học sau khi tốt nghiệp. Lý do chung họ đưa ra là nghề này “đòi hỏi cao” nhưng “thu nhập thấp”.

Zhang Jianping lý giải, thị phần sách văn học trên thị trường là khá nhỏ. Đó là lý do nhuận bút cho các dịch giả văn học được trả quá thấp.

“Chúng tôi sẵn sàng trả cao hơn cho các dịch giả. Nhưng các tác phẩm dịch, đặc biệt là các cuốn sách về phê bình, lý luận, thường rất khó bán”.

Zhang cho biết, độc giả thích những tác phẩm đại chúng hơn là những cuốn nặng chất văn học, nặng tính lý thuyết.Hầu hết người được phỏng vấn bày tỏ nguyện vọng trở thành biên dịch viên trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, bởi thu nhập ở lĩnh vực này cao hơn nhiều so với dịch văn học.

Mức nhuận bút trung bình cho dịch thương mại dao động từ 200 đến 300 tệ (500 đến 800 nghìn đồng) trên 1.000 chữ. Chính vì vậy Wang Jin – một sinh viên giỏi, tốt nghiệp ngành dịch văn học Anh Mỹ – đã chọn nghề dịch thương mại sau khi tốt nghiệp vào năm ngoái.

“Chúng tôi có cơ hội kiếm sống tốt hơn nếu dịch thương mại. Trong khi dịch văn học thì không có cách nào đủ sống. Ngoài sự chênh lệnh về nhuận bút thì dịch 1.000 chữ văn bản thương mại cũng dễ hơn nhiều so với 1.000 chữ văn bản văn học. Người dịch phải hiểu cả về văn học Trung Quốc lẫn văn học nước ngoài. Điều này đòi hỏi cần có thời gian tích lũy”, Wang chia sẻ với Global Times.

Trở lại với dịch giả Yang Ziwu. Anh là con trai của Yang Qishen – một giáo sư, dịch giả tiếng tăm tại Đại học Fudan. Ông là người khởi sự dịch A History of Modern Criticism. Sau khi Yang Qishen qua đời, Yang Ziwu đã kế tục công việc của cha. Công trình đồ sộ này đã ngốn hết phần lớn thời gian của Yang. Anh nói, anh có thể đếm được trên đầu ngón tay những ngày anh có thể dành trọn cho gia đình trong suốt 30 năm qua.

“Tôi hiếm khi có thời gian dành cho con gái. Phần lớn thời gian rảnh, tôi đều đổ vào cuốn sách. Nghiên cứu tư liệu phục vụ cho việc dịch cũng là công việc rất tiêu tốn thời gian”, Yang cho biết. Anh chia sẻ, anh có thể làm giàu bằng nhiều cách khác nhưng dịch văn học đã trở thành niềm đam mê suốt hàng chục năm qua.

“Tiền không nên được coi là lý do duy nhất cho mọi lựa chọn của chúng ta. Tôi nghĩ chúng ta nên làm gì đó có ý nghĩa cho cuộc sống”, anh nói.

Rate this post
Chia sẻ