Tuy nhiên ngôn ngữ có quan hệ trực tiếp với xã hội, với dân tộc sáng tạo và sử dụng nó. Mỗi ngôn ngữ đều phát triển gắn liền với lịch sử của dân tộc mình, nhưng phát triển một cách độc lập, theo những quy luật bên trong của mình. Cấu tạo của ngôn ngữ, nghĩa là thành phần từ vựng của nó với quỹ từ vựng cơ bản và cấu tạo ngữ pháp là khác với các ngôn ngữ khác. Không chỉ có hình thái từ khác với hình thái từ của tiếng mẹ đẻ, mà cả các quy tắc kết hợp từ trong câu đôi khi hoàn toàn không tương ứng với các qui tắc kết hợp từ trong tiếng mẹ đẻ của người học.
Dưới đây là chúng tôi sẽ giới thiệu để các bạn tham khảo một số phương pháp dịch tiếng Anh kỹ thuật cơ bản mà chúng tôi thấy bạn có thể áp dụng:
1. Dịch tiếng Anh theo nghĩa từ
Là phương pháp dịch cho phép bạn mở nghĩa bài dịch đúng và đầy đủ hơn, song còn chưa tương ứng được với các chuẩn mực của tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên phương pháp dịch này không phải là mục đích của chúng ta, mà chỉ được sử dụng như một phương tiện để mở nội dung bài dịch một cách đầy đủ hơn với sắc thái riêng của bài rất cần thiết khi cần dịch các cụm từ không có tương đương của tiếng mẹ đẻ.
2. Dịch tiếng Anh tự do hay dịch tùy ý
Là phương pháp truyền đạt sang tiếng Việt nội dung cơ bản của bài dịch, dựa trên cơ sở kiến thức đã nắm vững về ngữ pháp và từ vựng. Phương pháp này có thể thực hiện ở dạng viết hoặc nói. Đây là giai đoạn đầu trong quá trình mở nghĩa bài đọc được trình bày bằng tiếng nước ngoài.
Dịch tùy ý như dịch – tóm tắt, dịch – trích dẫn và chú giải theo văn phong kĩ thuật chuyên ngành đạt hiệu quả khi người dịch có lượng kiến thức nhất định về ngữ pháp và từ vựng, cũng như kiến thức về lĩnh vực khoa học và kĩ thuật chuyên ngành đó. Vì vậy, phương pháp dịch này được tiến hành ở các khóa học những năm cuối.
3. Dịch tiếng Anh đúng ý tác giả
Đây là phương pháp dịch truyền đạt đúng và đủ nội dung nguyên bản bằng chuẩn của tiếng mẹ đẻ. Khi bắt đầu tiến hành dịch, chúng tôi cho rằng trước hết bạn nên:
- Đọc nhẩm toàn bộ hoặc từng phần bài dịch để hình dung được nội dung khái quát của bài đọc.
- Sau khi tự làm rõ nghĩa nội dung khái quát của đoạn cần dịch, nên bắt đầu dịch từng câu riêng biệt.
- Bước cuối cùng là chỉnh lại câu theo văn phong chuyên ngành kĩ thuật đại cương hoặc chuyên ngành. Không nhìn lại văn bản gốc, dựa trên nghĩa câu đã mở, nên truyền đạt toàn bộ nội dung bài cần dịch bằng tiếng mẹ đẻ theo đúng văn phạm. Trong những trường hợp cần thiết, có thể thay đổi trật tự từ, câu phức có thể chuyển thành câu đơn và ngược lại. Không bao giờ quên rằng, chúng ta dịch không phải các từ riêng biệt, mà là các từ trong một liên kết – câu, truyền đạt không phải nghĩa các từ riêng biệt, mà cần thể hiện được bằng tiếng mẹ đẻ theo đúng ý của tác giả.