Các Phương Pháp Học Tiếng Trung Đơn Giản
Trước sự hội nhập và phát triển chung của thế giới, ngoại ngữ càng đóng vai trò thiết yếu đối với mỗi người, đặc biệt là những học sinh, sinh viên đang trau dồi tri thức trên ghế nhà trường để chuẩn bị bước vào môi trường sống mới. Chính vì nhận ra sự quan trọng đó, cho nên có rất nhiều bạn đã không ngừng nỗ lực học các ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa,…
Mỗi ngoại ngữ có những cách thức, phương pháp học khác nhau. Sau đây là một trong những cách thức, phương pháp để học tốt tiếng Hán hiện đại-tiếng phổ thông Trung Quốc mà tôi rút ra từ kinh nghiệm bản thân, xin chia sẻ cùng các bạn.
Đối với những bạn lần đầu tiên học tiếng Trung Quốc thì vấn đề gì cũng rất khó khăn. Dĩ nhiên mới bắt đầu luôn là như thế, bởi vậy người ta mới có câu “vạn sự khởi đầu nan”. Nếu chịu khó một chút thì mọi chuyện không khó như lúc đầu bạn nghĩ đâu.
1. Trước hết bạn phải nắm vững cách phát âm, cách đọc các thanh mẫu và vận mẫu. Đây là tiền đề rất quan trọng cho những giai đoạn học tiếp theo. Vì sau này khi gặp các từ mới khác bạn sẽ tự nhìn phiên âm mà đọc chuẩn những chữ đó. Khi đọc các thanh mẫu, vận mẫu, cần phải chú ý phân biệt sự khác nhau của : “j” và “q”; “z” và “zh”; “c” và “ch”; “s” và “sh”. Bên cạnh bạn nên chú ý những chữ có hơn một cách đọc ví dụ như “为”,“说”, “好”, “大”,…
2. Cần thiết cho yêu cầu đọc đúng và chuẩn là phải biết được sự biến hóa của các thanh điệu trong tiếng Hán như thế nào khi chúng đi vào trong câu, trong lời nói. Tiếng Hán có bốn thanh điệu được ghi theo thứ tự từ 1 đến 4 như sau : “ —, ˊ,ˇ, ˋ”.
Khi 2 thanh ba đi liền nhau thì thanh ba đầu biến thành thanh hai, còn thanh ba sau đọc ở thanh nửa hai nửa ba (đọc tương tự như dấu quyền trong tiếng Việt). Khi 3 thanh ba đi liền nhau thì hai thanh ba đầu biến thành thanh hai, còn thanh ba cuối đọc nửa thanh hai nửa thanh ba (đọc tương tự như dấu quyền trong tiếng Việt). Trường hợp 4 thanh ba đi liền nhau thì thanh ba của chữ thứ nhất và chữ thứ ba biến thành thanh hai, thanh ba của chữ thứ hai và thứ tư đọc nửa thanh hai và nửa thanh ba (đọc tương tự như dấu quyền trong tiếng Việt).
3. Để viết chữ được nhanh thì bạn phải học quy tắc viết bút thuận của chúng. Khi học kỹ các quy tắc này, bạn không phải lo cách viết nếu gặp những từ mới chưa được học. Sau đây là các qui tắc viết bút thuận trong tiếng Hán:
Ngang trước sổ sau:
十 ,干 ,丰,。。。
Phẩy trước mác sau:
八 ,分 ,及 ,。。。
Trên trước dưới sau:
三 ,示 ,室 ,。。。
Trái trước phải sau:
好 ,你 ,很 ,。。。
Ngoài trước trong sau:
月 ,同 ,伺 ,。。。
Vào trước đóng sau:
回 ,国 ,洄 ,。。。
Giữa trước hai bên sau:
永 ,水 ,小 ,。。。
Ngoài ra còn có các qui tắc bổ sung. Các bạn có thể tham khảo các sách: “Tân giáo trình hán ngữ, tập 1, Trương Văn Giới-Lê Khắc Kiều Lục, NXB ĐHQG TPHCM” hay cuốn “301 câu đàm thoại tiếng Hoa, NXB Trẻ” hoặc các loại sách cơ bản khác. Từ những kiến thức căn bản trên, bạn sẽ dễ dàng đọc đúng các phiên âm và viết tốt các chữ Hán.
4. Để đọc và nói trôi trải, bạn phải thường xuyên đọc những bài đã học cho quen mặt chữ và cũng đừng quên xem mở rông thêm các từ mới, bài mới. Tiếp theo nên học thuộc lòng những câu thông dụng đơn giản từ các sách, tài liệu mà bạn đang học, chẳng hạn như một số câu:
(1) 你 好 马?( Bạn có khỏe không?)
(2) 我 身 体 很 好。(Tôi rất khỏe)
(3) 你 叫 什 么 名 字?(Tên bạn là gì?)
(4) 我 叫 李 平。(Tên tôi là Lý Bình)
Sau đó tập nói những câu dài hơn như: 无 论 我 说 什 么,她 都 不 听 (Bất luận tôi nói điều gì cô ấy cũng không tin), hay: 为 什 么 连 你 的 最 好 朋 友 说 的 话,你 也 不 信?(Tại sao ngay cả lời người bạn thân nhất của anh nói mà anh cũng không tin?)
Để tiến bộ nhanh hơn những người khác, bạn phải tập thay thế những câu đơn giản trên thành những câu có nội dung mới. Từ câu 你 好 马? Bạn thay thế chủ ngữ 你 thành những chủ ngữ khác thì được câu mới ngay và câu trả lời cũng thay chủ ngữ cho phù hợp. Đó chính là cái bạn học cho mình.
(5) 你 哥 哥 (身 体) 好 马?(Anh của bạn có khỏe không?)
我 哥 哥 身 体 很 好。(Anh của tôi rất khỏe.)
(6) 你 爸 爸,妈 妈 (身 体) 好 马?(Ba mẹ bạn có khỏe không?)
我 爸 爸,妈 妈 (身 体) 很 好。(Ba mẹ tôi rất khỏe.)
Hay từ câu 你 叫 什 么 名 字? Bạn có thể thay thế 叫 và 名 字 để có những câu mới tương tự.
(7) 你 作 什 么 工 作?
Trả lời: 我 当 老 师。
hay: 我 当 大 夫。…
5. So với ngữ pháp tiếng Anh thì ngữ pháp tiếng Trung Quốc có dễ hơn một chút và có một phần nào đó giống với ngữ pháp tiếng Việt của chúng ta. Để nói được nhiều câu chuẩn và hay thì bạn phải học ngữ pháp. Đó là điều bắt buộc đối với người học ngoại ngữ, vì thế bạn phải học kĩ những mẫu câu và các công thức của chúng.
Ví dụ như: Chủ ngữ + Động từ + Tân ngữ
我 是 学生
(Tôi là học sinh)
你 去 哪里?
(Bạn đi đâu?)
Hễ học xong bài nào thì bạn phải học chắc từ vựng và các điểm ngữ pháp của bài đó. Khi học được khoảng 3 đến 5 bài thì phải ôn lại một vài lần cho nhớ lâu hơn. Vì nhược điểm khi học tiếng Trung Quốc là các chữ nhiều nét làm cho bạn khó nhớ, cho nên bạn phải thường xuyên viết đi viết lại các chữ càng nhiều càng tốt.
6. Một điều rất quan trọng giúp bạn học tiến bộ hơn những người khác là nên học âm Hán Việt khi học từ vựng. Có thể có nhiều cách nhưng xin giới thiệu hai cách học từ vựng theo âm Hán Việt để tự mỗi người học có thể mở rộng vốn từ vựng một cách đúng đắn.
Cách thứ nhất là A (chính) + B (phụ). (A: chọn chữ làm gốc, còn B: chữ dùng để thay thế). Ví dụ như chọn chữ gốc là chữ 对 có âm hán việt là Đối và các chữ thay thế là chữ 答 có âm hán việt là Đáp, chữ 待 có âm hán việt là Đãi, chữ 方 có âm hán việt là Phương, chữ 立 có âm hán việt là Lập, chữ 面 có âm hán việt là Diện, chữ 手 có âm hán việt là Thủ,…Bạn có thể ghép thành các từ Hán Việt: 对 答 Đối đáp, 对 待 Đối đãi, 对 方 Đối phương, 对 立 Đối lập, 对 面 Đối diện, 对 手 Đối thủ,…Bạn nên mua một hoặc một vài quyển từ điển Hán Việt hoặc Việt Hán để bổ trợ thêm.
Cách thứ hai là A (phụ) + B (chính). (A: chữ dùng để thay thế, còn B: chọn chữ làm gốc). Ví dụ tương tự nhưng khác chữ thay thế mà thôi, chẳng hạn như các chữ: 凶 手 Hung thủ, 对 手 Đối thủ, 高 手 Cao thủ, 下 手 Hạ thủ, 助 手 Trợ thủ,…Xem qua những chữ đó, chắc các bạn dễ dàng nhận ra chữ gốc là chữ ( 手)Thủ và các chữ thay thế là 凶 Hung, 对 Đối, 高 Cao, 下 Hạ, 助 Trợ…
Tùy theo khả năng, cách thức mỗi người nên có nhiều cách khác nhau. Bài viết này không phải là cách học tối ưu, nhưng hy vọng khi xem qua các bạn sẽ học tiến bộ hơn thật nhiều. Đó cũng là mục đích cuối cùng của tôi. Chúc các bạn thành công với môn ngoại ngữ tiếng phổ thông Trung Quốc này.
Tài liệu tham khảo: Tân giáo trình Hán ngữ của Trương Văn Giới và Lê Khắc Kiều Lục